Không chỉ thu hút du khách với vẻ đẹp mơ màng của cao nguyên và những ruộng bậc thang trải dài, Sơn La còn có nền ẩm thực phong phú với những món ăn độc nhất vô nhị.
Ảnh:Vietskytourism, Dacsantaybac.
Nộm da trâu: Da trâu dày, cứng và dai, thường chỉ dùng làm da trống lại được người Sơn La tận dụng làm món nộm. Để giảm độ dai, người dân ở đây phải sơ chế da trâu qua những giai đoạn như hơ lửa, ngâm nước lã, lọc và đập da nhiều lần. Nộm da trâu được trộn với măng rừng và mùi tàu, ăn giòn sật, chua thanh rất lạ miệng.
Ảnh: Hoabanfood, Tepbac, Dienbienfood.
Pa pỉnh tộp: Pa pỉnh tộp thực chất là món cá nướng gập. Để chế biến món này, người ta có thể sử dụng cá chép, cá trắm hoặc cá trôi. Cá được mổ bụng và nhồi các loại gia vị như gừng, sả, ớt tươi, rau mùi, húng, hành tươi, đặc biệt không thể thiếu mắc khén. Sau đó, người ta gập đôi cá lại, cho cá vào một đoạn tre để kẹp chặt, nướng trên than củi đỏ hồng. Cá nướng không bị ám khói, vàng đều, tỏa mùi cay cay rất kích thích vị giác.
Ảnh: Cooky, Foody, Dacsanmien, Vntrip.
Thịt trâu gác bếp: Thịt gác bếp vốn là đặc sản của núi rừng Tây Bắc nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến thịt trâu gác bếp Sơn La. Thịt trâu được róc thành miếng, tẩm ướp gia vị rồi hun bằng khói của than củi đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Đây cũng là món nhắm rượu hàng đầu của người dân ở đây.
Ảnh: Wanderlusttips .
Nậm pịa: Nếu người Mông ở Yên Bái có món thắng cố thì người Thái ở Sơn La có món nậm pịa. Nậm pịa được làm từ ruột non của trâu, bò hoặc dê. Ruột non làm sạch, nhồi thêm thịt, tiết tươi, đuôi dạ dày, cuống tim… kèm theo là gừng, sả, mắc khén, ớt, lá chanh băm. Sau đó, cho vào nồi đun sôi khoảng 5 phút để tạo món ăn sền sệt. Nậm pịa ăn nóng rất ngon. Du khách ăn không quen có thể thấy hơi đắng lúc đầu nhưng càng ăn càng cảm thấy ngọt và thơm hơn.
Ảnh: Cooky, VOV.
Cơm lam: Cơm lam chuẩn phải được chế biến từ gạo nương, ngon nhất là gạo cẩm và nếp cái hoa vàng. Gạo cho thêm chút muối, gừng, ngâm ủ qua đêm. Sau đó cho vào ống tre, thêm nước và bịt kín lại bằng lá chuối rồi đốt trên bếp lửa. Tùy theo sở thích mỗi người, bạn có thể ăn cơm lam cùng muối vừng hoặc chẳm chéo.
Ảnh: Tuhaoviet, Nongthonviet.
Canh mọ: Canh mọ vốn dĩ là món ăn vào các dịp lễ Tết của dân tộc Khơ mú sống tại Sơn La. Canh mọ được chế biến từ các loại thịt chuột, chim, sóc sấy khô, băm nhỏ trộn với hoa chuối và các loại gia vị. Sau đó, người ta nhồi phần nhân vào ống tre, đổ thêm nước vào đem đốt như đốt cơm lam. Khi đổ ra bát sẽ thấy canh sền sệt, ăn cùng xôi nếp rất ngon.
Ảnh: Tuhaoviet, Baomoi.
Cháo mắc nhung: Để có món cháo mắc nhung chuẩn vị, người Sơn La thường chọn tấm đầu vụ gặt non, nấu cùng sườn lợn hun khói. Khi cháo chín tới, cho quả mắc nhung vào, đập dập thêm củ gừng, ớt nướng và sả. Ở một số nơi, người ta trộn quả mắc nhung với tấm, túm vào lá chuối buộc chặt, vùi trong tro bếp hoặc đồ xôi là đã có ngay một món mắc nhung sền sệt, đắng nhẹ, thơm cay ăn rất lạ miệng.
Lệ Ngân / news.zing.vn